Kinh tế Đàng_Ngoài

Nông nghiệp

Kể từ khi đánh bại nhà Mạc, làm chủ vùng Bắc bộ, chính quyền Lê-Trịnh đã có nhiều cố gắng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đối với việc thủy lợi, triều đình Lê-Trịnh cũng quan tâm. Khi thời tiết hạn hán nặng, triều đình cử quan xuống các đạo xem xét và sai làm xe tát nước để chống hạn. Việc tuần tra, sửa chữa đê điều cũng thực hiện thường xuyên[6].

Vì thiếu đất nên mỗi người chỉ được một miếng đất nhỏ, người nông dân phải xen canh tăng vụ, tận dụng tối đa mảnh đất, mỗi năm thường thu hoạch 2-3 vụ. Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng đạt trình độ khá cao. Phương pháp cày cấy chủ yếu dựa vào sức người, nông cụ giản đơn như liềm, cuốc, cày, bừa, hái[7].

Do chính sách khuyến nông và sức lao động chăm chỉ của người dân, đến đầu thế kỷ 18, nông nghiệp Đàng Ngoài có những tiến bộ đáng kể. Những năm không gặp phải thiên tai, lụt lội, nhiều năm được mùa[7].

Thủ công nghiệp

Ngoài những nghề truyền thống nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt như thợ đá, thợ sơn, thợ mộc, thợ rèn, thợ nề... như trước, còn có những ngành nghề phục vụ mục đích quân sự, chính trị mới như đóng tàu, đúc súng đạn. Đàng Ngoài có tài nguyên phong phú, tập trung chủ yếu ở vùng trung du phía bắc, gần biên giới với Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của nội chiến kéo dài, sang thế kỷ 18 việc khai thác mỏ mới được xúc tiến mạnh và quản lý chặt chẽ. Đồng thời, triều đình kiểm soát nghiêm việc mua bán các loại khoáng sản, nhất là đồng, chìthiếc, những kim loại cần cho việc chế tạo vũ khí. Phương thức khai thác mỏ thời kỳ này vẫn mang tính thủ công: quặng đào lên bằng công cụ thô sơ rồi đãi và nấu trong lò nổi thô sơ[8].

Thương mại

Kinh tế hàng hoá phát triển khá mạnh trong thế kỉ 17, nhiều đô thị phồn thịnh, tiêu biểu là Thăng Long (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên), quan hệ buôn bán với nước ngoài được mở rộng. Chợ là trung tâm kinh tế của nông thôn, là nơi trao đổi hàng hóa của một xã hay một làng. Tại đây người nông dân và thợ thủ công mang sản phẩm mình sản xuất được như lương thực, thực phẩm, công cụ lao động, đồ dùng gia đình… ra chợ để mua bán, trao đổi. Dù bị các chúa Trịnhchúa Nguyễn ngăn cấm, giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài vẫn có luồng buôn bán trao đổi không chính thức[9].

Khác với thời Lê Sơ thực hiện chính sách đóng cửa đối với ngoại thương, các chúa Trịnh thực thi chính sách mở cửa với nước ngoài. Ngoài những đối tác truyền thống từ phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, thời kỳ này đã có thêm các đối tác từ phương Tây như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan.